Cơ cấu tổ chức
Viện Chính sách Công (IPP) được thành lập theo quyết định số 982/QĐ-ĐHKT-TCHC ngày 20 tháng 4 năm 2012 của Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh (UEH).
Chức năng của IPP là thực hiện các nghiên cứu, tư vấn, và phản biện các chính sách kinh tế – xã hội của Nhà nước và của các địa phương; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đảo tạo cao cấp về chính sách công.
Các hoạt động của IPP bao gồm:
- tổ chức các hoạt động nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế;
- thực hiện các đề tài nghiên cứu cho các địa phương;
- tư vấn chính sách và phản biện các chính sách của Chính phủ hoặc các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương;
- tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn cao cấp cho các nhà hoạch định chính sách và thực thi chính sách ở các tỉnh, thành phía Nam.
Các giảng viên và các nhà nghiên cứu kinh tế ở UEH và FETP tham gia trực tiếp vào các dự án/hoạt động của IPP có bề dày kinh nghiệm giảng dạy trên 10 năm về các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, kinh tế phát triển, phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại, tài chính, luật pháp, quản lý công,.. Năm trong số tám thành viên của Hội đồng khoa hoc của IPP là giảng viên của FETP.
Các giảng viên trường Fulbright thường xuyên thực hiện các chương trình nghiên cứu cùng với các giảng viên của trường Harvard Kennedy qua chương trình liên kết với Trung tâm Ash, một tổ chức hàng đầu về nghiên cứu và thúc đẩy hoạt động đổi mới cách tân trong chính phủ và lãnh đạo công của trường Harvard Kennedy. Các giảng viên Fulbright dựa vào những nghiên cứu chính sách mới nhất và mạng lưới lãnh đạo toàn cầu của Trung tâm Ash để đưa ra những kinh nghiệm so sánh với các vấn đề chính sách của Việt Nam.
Đội ngũ giảng viên của cả hai trường vừa có nhiều hiểu biết sâu sắc về Việt Nam vừa có kỹ năng kết nối sự hiểu biết này với các xu thế toàn cầu và khu vực. Ngoài việc giảng dạy, họ đã tham gia các dự án nghiên cứu do Việt Nam và các tổ chức quốc tế tài trợ, nhắm đến những vấn đề chính sách phức tạp mà Việt Nam và các địa phương đang phải đối mặt.
Các hoạt động nghiên cứu điển hình ở Việt Nam mà đội ngũ giảng viên tham gia bao trùm nhiều lĩnh vực chính sách quan trọng như kinh tế vĩ mô, kinh tế phát triển, tài chính công, giáo dục đại học, cơ sở hạ tầng, thẩm định đầu tư công, thương mại quốc tế, luật và quản trị công.
Tổ chức bộ máy của Viện như sau:
- Viện trực thuộc UEH, dưới sự giám sát và quản lý của Ban Giám hiệu.
- Hội đồng Khoa học của Viện: được thành lập để tư vấn hoạch định chiến lược phát triển và kế hoạch hoạt động hàng năm của Viện. Đây là cơ quan tư vấn về mặt học thuật cho Viện trong vấn đề định hướng chương trình đào tạo và triển khai các hoạt động nghiên cứu. Thành phần của Hội đồng Khoa học bao gồm các học giả và các nhà nghiên cứu của UEH, FETP và các học giả ở trong và ngoài nước khác.
- Ban Giám đốc: đứng đầu là Viện trưởng do Hiệu trưởng UEH bổ nhiệm, có trách nhiệm điều hành hoạt động và thực thi các đường lối và chính sách phát triển Viện.
Viện được tổ chức gồm 03 ban:
– Ban Đào tạo: tổ chức hoạt động đào tạo cao cấp ngắn hạn;
– Ban Nghiên cứu: tổ chức hoạt động nghiên cứu;
– Ban Quản trị và tài chính: quản lý hành chính và kế toán.