Chiến lược tăng trưởng kinh tế bền vững
I. GIỚI THIỆU
Chương trình đào tạo “Chiến lược tăng trưởng kinh tế bền vững cho địa phương” là khóa học đặc biệt, được thiết kế riêng theo yêu cầu của lãnh đạo Tỉnh. Chương trình này có những đặc điểm chính như sau:
- Đây là khóa đào tạo ngắn ngày (4 ngày) nhằm trang bị cho các nhà lãnh đạo và quản lý của Tỉnh những kiến thức và kỹ năng phân tích để có thể xác định động lực tăng trưởng kinh tế của địa phương, đồng thời kết hợp với việc đánh giá năng lực cạnh tranh của địa phương nhằm lựa chọn chiến lược hiệu quả để phát triển kinh tế địa phương. Chương trình đào tạo này còn chú trọng đến việc nâng cao năng lực của địa phương trong viêc quy hoạch phát triển, cải cách thể chế và lãnhđạo sự thay đổi nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện các chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho địa phương trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới diễn ra ngày càng sâu rộng ở Việt Nam.
- Chương trình được thiết kế theo phương pháp giảng dạy kết hợp giữa lý thuyết và các nghiên cứu tình huống; đúc kết kinh nghiệm từ các môn học về kinh tế phát triển, phát triển vùng và địa phương, kinh tế học khu vực công, và quản trị công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright và các nghiên cứu chính sách của Viện Chính sách Công tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
- Tham gia thực hiện chương trình đào tạo này là các giảng viên dày dạn kinh nghiệm của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright thuộc trường Đại học Kinh Tế TP. Hồ Chí Minh, có bằng Thạc Sỹ và Tiến Sỹ của các trường đại học nổi tiếng của nước ngoài, và đã có nhiều công trình nghiên cứu và bài viết về các lĩnh vực liên quan cho trung ương và địa phương ở Việt Nam.
Học viên của Chương trình là các cán bộ lãnh đạo và quản lý của Tỉnh, bao gồm lãnh đạo Tỉnh, cán bộ quản lý thuộc các lĩnh vực kinh tế tổng hợp và kinh tế ngành, cán bộ nghiên cứu kinh tế địa phương tại các viện và trường đại học, và các nhà quản lý tại các hiệp hội doanh nghiệp.
II. NỘI DUNG ĐÀO TẠO
Bài 1. Lựa chọn chiến lược phát triển địa phương
Nội dung thứ nhất của Chương trình đào tạo sẽ trình bày khung phân tích đánh giá năng lực cạnh tranh địa phương của GS. Michael Porter (Trường Kinh doanh Harvard) được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của các tỉnh – thành phố ở Việt Nam. Khung phân tích này sau đó sẽ được áp dụng vào tình huống cụ thể của Tỉnh, sử dụng các số liệu thống kê kinh tế tổng hợp cũng như thông tin từ nhiều cuộc phỏng vấn trực tiếp các nhà làm chính sách và doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh. Những phân tích này sẽ giúp địa phương xác định được các vấn đề kinh tế then chốt có tác dụng thúc đẩy hay cản trở năng lực cạnh tranh của Tỉnh, từ đó giúp đưa ra những định hướng chiến lược và đề xuất chính sách phát triển kinh tế của Tỉnh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.
Nội dung cụ thể:
- Giới thiệu khung phân tích đánh giá năng lực cạnh tranh của địa phương
- Xác định những nhân tố then chốt ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Tỉnh
- Xác định động lực cho tăng trưởng kinh tế của địa phương
- Định hướng chiến lược và đề xuất chính sách phát triển kinh tế – xã hội cho Tỉnh
Thảo luận:
- Một số tình huống chính sách của Tỉnh
- Thảo luận kinh nghiệm của Tỉnh
Bài 2. Chính sách công nghiệp và đánh giá năng lực cạnh tranh cụm ngành
Nội dung thứ hai của Chương trình sẽ giúp học viên làm quen với các khái niệm cơ bản về chính sách công nghiệp và các chiến lược thực hiện công nghiệp hoá nhằm mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Trong phần này, học viên cũng sẽ được làm quen với các khái niệm cơ bản và khung phân tích về năng lực cạnh tranh của cụm ngành. Cụ thể, học viên sẽ tiếp cận với một công cụ phân tích quan trọng – được gọi là “mô hình kim cương,” và một khái niệm then chốt – cụm ngành kinh tế (economic cluster) nhằm đánh giá năng lực cạnh tranh của địa phương và các cụm ngành mà địa phương có lợi thế so sánh.
Nội dung cụ thể:
- Giới thiệu chung về chiến lược và chính sách công nghiệp
- Giới thiệu mô hình kim cương của Michael Porter nhằm đánh giá năng lực cạnh tranh của cụm ngành
- Thảo luận về chính sách phát triển công nghiệp của địa phương và đánh giá năng lực cạnh tranh của một số cụm ngành hiện có của địa phương.
Thảo luận:
- Một số tình huống chính sách của Tỉnh
- Thảo luận kinh nghiệm của Tỉnh
Bài 3. Thu hút đầu tư và phát triển khu công nghiệp
Nội dung của chủ đề này nhằm trình bày những kinh nghiệm thực tiễn và gợi ý có tính chiến lược cũng như chính sách cụ thể nhằm thu hút đầu tư và phát triển khu công nghiệp của Tỉnh. Hai tình huống cụ thể được trình bày là Khu chế xuất Tân Thuận và Khu công nghiệp Hiệp Phước tại TP. Hồ Chí Minh.
Nội dung cụ thể:
- Trình bày kinh nghiệm thực hiện kế hoạch “Phát triển TP.HCM hướng ra Biển Đông”
- Gợi ý về định hướng chiến lược phát triển khu công nghiệp cho Tỉnh.
- Gợi ý về một số chính sách cụ thể giúp Tỉnh thu hút đầu tư và phát triền khu công nghiệp.
Thảo luận:
- Thảo luận tình huống KCX Tân Thuận và KCN Hiệp Phước
- Thảo luận kinh nghiệm của Tỉnh
Bài 4. Quy hoạch và vai trò của quy hoạch trong phát triển kinh tế – xã hội
Nội dung thứ tư này của chương trình đào tạo sẽ tập trung vào 5 đề mục sau đây:
- Nguyên lý cơ bản về quy hoạch chiến lược;
- Vai trò của quy hoạch chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương;
- Các phương pháp quy hoạch chiến lược phát triển;
- Các bước xây dựng quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế-xã hội;
- Nhu cầu xây dựng năng lực soạn thảo quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế- xã hội cho một địa phương.
Thảo luận:
- Thảo luận kinh nghiệm của Tỉnh: Những thách thức của tỉnh trong việc quy hoạch chiến lược và gợi ý những giải pháp đối phó với những thách thức này.
- Vấn đề sử dụng tư vấn nước ngoài cho xây dựng quy hoạch chiến lược
Bài 5. Quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển địa phương trong bối cảnh hội nhập kinh tế
Nội dung thứ năm của Chương trình nhằm hướng dẫn khung phân tích đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng địa phương từ đó xây dựng chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng tạo sự đột phá cho phát triển kinh tế của địa phương và hội nhập kinh tế. Ngoài ra nội dung này còn đề cập đến mô hình hợp tác nhà nước – tư nhân (PPP) trong phát triển cơ sở hạ tầng, khả năng khai thác cơ hội và khắc phục hạn chế của mô hình PPP trong thực tiễn.
Nội dung chi tiết:
- Những thách thức trong phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam
- Đầu tư cơ sở hạ tầng bằng mô hình PPP: kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam
- Xác định các cơ sở hạ tầng mang tính chiến lược của Vùng Ven biển Nam Trung Bộ
- Phát triển cơ sở hạ tầng địa phương
Thảo luận:
- Thảo luận các vấn đề quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng của Tỉnh
Bài 6. Hội nhập kinh tế ở Việt Nam và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Phần đầu của nội dung thứ sáu là điểm qua về các vấn đề về hội nhập kinh tế của Việt Nam, tình hình các hoạt động thương mại quốc tế và thu hút đầu tư quốc tế của Việt Nam và của Tỉnh từ đó đặt ra các vấn đề phát triển kinh tế địa phương trong bối cảnh toàn cầu hóa và những sự dịch chuyển trong việc tái bố trí hoạt động sản xuất toàn cầu. Thách thức đặt ra đối với mỗi vùng/địa phương là gắn kết các hoạt động của mình vào chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng giá trị sao cho địa phương mình trở thành một mắt xích không thể thiếu trong hoạt động sản xuất khu vực hay toàn cầu.
Nội dung chi tiết:
- Tổng quan về hội nhập kinh tế, tình hình thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế của Việt Nam nói chung và của Tỉnh nói riêng.
- Giới thiệu chuỗi giá trị, công cụ nâng cao năng lực và giá trị xuất khẩu
- Thảo luận về hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Tỉnh với mục tiêu gắn kết các hoạt động này vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Thảo luận:
- Nghiên cứu tình huống
- Thảo luận kinh nghiệm của Tỉnh
Bài 7. Các cải cách thể chế đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế của địa phương
Bài giảng này phân tích những sức ép của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO đối với các địa phương, cụ thể là chính quyền Tỉnh. Chính quyền địa phương đứng trước các thách thức gì về cải cách thể chế để trở thành một chính quyền hiệu quả, có trách nhiệm giải trình cao trước nhân dân và chính quyền trung ương, là chỗ dựa đáng tin cậy cho khu vực kinh tế doanh nghiệp, nhất là các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài. Bài giảng sẽ tập trung vào các nội dung cải cách thể chế, xây dựng chính quyền hiệu quả, đáng tin cậy, đồng hành cùng doanh nghiệp. Các ví dụ và minh họa được tập trung vào khu vực hợp tác công tư trong lĩnh vực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, một trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh trong một vài thập kỷ tới.
Thảo luận:
- Nghiên cứu tình huống
- Thảo luận kinh nghiệm của Tỉnh
Bài 8. Lãnh đạo phát triển: Những vấn đề lý luận và thực tiễn
Nội dung của phần này đề cập tới vai trò của những nhà lãnh đạo trong việc thay đổi và phát triển. Chủ đề này sẽ chú trọng vào việc thảo luận các vấn đề lý thuyết và thực tiễn liên quan đến phát triển tầm nhìn chiến lược, xây dựng chiến lược và các năng lực lãnh đạo, thực hiện và quản lý sự thay đổi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương trong điều kiện toàn cầu hóa, bùng nổ tri thức, thay đổi rất nhanh hiện nay.
Thảo luận:
- Nghiên cứu tình huống
- Thảo luận kinh nghiệm của Tỉnh
IV. GIẢNG VIÊN
TS. Vũ Thành Tự Anh
- Giám đốc nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright thuộc Đại học Kinh tế TP. HCM
- Nghiên cứu viên trường Havard Kennedy, Hoa Kỳ
- Thành viên tư vấn của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
ThS Phan Chánh Dưỡng
- Nguyên Tổng Giám đốc Khu chế xuất Tân Thuận
- Phó Chủ tịch HĐQT Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng
- Giảng viên Chiến lược phát triển vùng và địa phương, Tiếp thị địa phương, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright thuộc Đại học Kinh tế TP. HCM.
TS. Đinh Công Khải
- Viện trưởng Viện Chính sách Công, thuộc Đại học Kinh tế TP. HCM
- Giảng viên Thương mại quốc tế và Hội nhập kinh tế, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright thuộc Đại học Kinh tế TP. HCM
TS. Nguyễn Hữu Lam
- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển quản trị, trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
- Giảng viên Quản trị Công và Lãnh đạo trong khu vực công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright thuộc Đại học Kinh tế TP. HCM.
PGS. TS Phạm Duy Nghĩa
- Giảng viên Luật và Thể chế, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright thuộc Đại học Kinh tế TP. HCM.
- Trưởng Khoa Luật thuộc Đại học Kinh tế TP. HCM
ThS. Nguyễn Xuân Thành
- Giám đốc Chương trình Thạc sỹ Chính sách Công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright thuộc Đại học Kinh tế TP. HCM
- Nghiên cứu viên trường Havard Kennedy, Hoa Kỳ.
TS. Nguyễn Xuân Thuần
- Chuyên gia độc lập, cố vấn cao cấp của Viện Chính sách Công (UEH – IPP)
- Nguyên Chuyên viên cao cấp của UNDP/UNV, tại Bonn – CHLB Đức
- Nguyên Giám đốc UNDP TP. HCM