HĐ 2.2 Năng lực cạnh tranh cụm ngành dệt may
I. Giới thiệu
1. Khái quát về dự án và gói thầu
Dự án “Thúc đẩy triển khai hiệu quả chương trình hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố HCM và hỗ trợ các tỉnh trong vùng” thuộc Chương trình Hỗ trợ Kỹ thuật Hậu gia nhập WTO. Vốn ODA của chương trình do Cơ quan phát triển quốc tế Úc – AUSAID và Cơ quan phát triển quốc tế Vương quốc Anh – DFID cung cấp. Cơ quan quản lý dự án là Ban Quản lý Dự án/Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO thành phố HCM.
Dự án này hỗ trợ việc triển khai có trọng tâm và hiệu quả chương trình hành động của Thành phố về hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng hỗ trợ cho các tỉnh lân cận. Hai mục tiêu cụ thể của dự án là:
Mục tiêu 1: Mở rộng hoạt động hỗ trợ về hội nhập kinh tế quốc tế cho các tỉnh xung quanh; với kết quả dự kiến là thiệt lập và không ngừng phát triển một mạng lưới báo cáo chuyên gia về vấn đề WTO và hội nhập kinh tế quốc tế.
Mục tiêu 2: Nâng cao năng lực cố vấn, tham mưu chính sách phát triển cho Chính quyền Thành phố HCM; với kết quả dự kiến là nâng cao năng lực tham mưu về chính sách thông qua việc soạn thảo và áp dụng các báo cáo chuyên sâu về các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội liên quan.
Dự án đã bắt đầu triển khai từ cuối năm 2011 và dự kiến hoàn thành sau 18 tháng thực hiện.
Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn nằm trong khuôn khổ mục tiêu thứ hai của dự án, với nhiệm vụ trọng tâm là khảo sát đánh giá năng lực cạnh tranh của cụm ngành dệt may trên địa bàn Thành phố và một số địa phương lân cận (hoạt động 2.2 dưới đây).
Các hoạt động chính của dự án nhằm thực hiện mục tiêu thứ 2 của dự án bao gồm:
Hoạt động 2.1: Khảo sát, học tập kinh nghiệm về phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh các ngành kinh tế ở Hàn Quốc.
Hoạt động 2.2: Khảo sát đánh giá năng lực cạnh tranh của cụm ngành dệt may trên địa bàn Thành phố và một số địa phương lân cận.
Hoạt động 2.3: Xây dựng báo cáo đánh giá về các vấn đề kinh tế nổi bật của thành phố
Hoạt động 2.4: Xây dựng Báo cáo phân tích chuyên sâu về hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn Thành phố.
Hoạt động 2.5: Xây dựng báo cáo về bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, hay cụ thể là tính toán và phân tích chỉ số GINI
2. Mục tiêu của báo cáo
Như đã nêu trên, dự án sẽ mời đấu thầu để tuyển chọn một nhà thầu tư vấn giúp dự án thực hiện hoạt động 2.2 – Khảo sát đánh giá năng lực cạnh tranh của cụm ngành dệt may trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương lân cận.
Một mục tiêu trọng tâm trong khuôn khổ Chương trình hội nhập kinh tế quốc tế của Thành phố HCM là nâng cao năng lực cạnh tranh của các cụm ngành công nghiệp quan trọng của Thành phố để từ đó đưa ra một cách tiếp cận mới về chuyển dịch cơ cấu và hiệu quả kinh tế trong nội ngành. Để thực hiện được mục tiêu này, cần xây dựng được một phương pháp chuẩn mực và hiện đại nhằm đánh giá năng lực cạnh tranh, trước hết là đối với một cụm ngành công nghiệp nổi bật của Thành phố là dệt may; sau đó nhân rộng ra đối với các ngành quan trọng khác như logistics, điện- điện tử, công nghệ thông tin, tài chính – ngân hàng …, từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách vững chắc và hiệu quả. Đơn vị thắng thầu sẽ cung cấp một nhóm chuyên gia hỗ trợ dự án và Trung tâm xây dựng báo cáo đánh giá này.
II. Phạm vi công việc
1. Phạm vi công việc
Để thực hiện được mục tiêu nêu ở phần I. 2, báo cáo này sẽ tập trung vào các nội dung sau:
Tóm tắt cơ sở lý thuyết của cụm ngành và của chuỗi giá trị, làm nền tảng cho phân tích năng lực cạnh tranh của các cụm ngành trên địa bàn.
Phác thảo cụm ngành dệt may ở TP Hồ Chí Minh và một số địa phương lân cận.
Trình bày ngắn gọn về các thị trường phù hợp, các hoạt động trong cụm ngành dệt may và các cụm cạnh tranh.
Mô tả và vẽ sơ đồ cụm ngành dệt may (các công ty tham gia, các nhà cung ứng, các nhà cung ứng dịch vụ, các tổ chức nghiên cứu, các thể chế hợp tác v.v…).
Lịch sử và sự tiến hóa của cụm ngành dệt may (sự ra đời, phát triển hay suy yếu) và các nguyên nhân.
Kết quả hoạt động của cụm ngành hiện tại và xu hướng thay đổi theo thời gian, đặc biệt là dưới tác động của hội nhập kinh tế quốc tế.
Năng lực cạnh tranh của cụm ngành; môi trường kinh doanh của cụm ngành, các công ty then chốt, mức độ hợp tác, bản chất và tác động của các chính sách chính phủ đối với cụm ngành.
Xác định các vấn đề then chốt về năng lực cạnh tranh mà cụm đang và sẽ gặp phải.
Các kiến nghị chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh cụm ngành dệt may.
Báo cáo này dựa trên phương pháp đã và đang được sử dụng rộng rãi của GS. Michael Porter thuộc Trường Quản trị Kinh doanh Harvard và là tác giả chính của Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Việt Nam 2010.
2. Các nhiệm vụ cụ thể và khuôn khổ thời gian thực hiện
Dưới sự điều phối trực tiếp của Ban Quản lý Dự án/Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO Thành phố, nhóm chuyên gia sẽ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau đây:
Nhiêm vụ | Nội dung nhiện vụ |
01 | Tóm tắt cơ sở lý thuyết của cụm ngành
Tóm tắt cơ sở lý thuyết của chuỗi giá trị |
02 | Xây dựng khung phân tích của báo cáo Xây dựng cấu trúc của báo cáo.
Hội thảo 1: Hội thảo chuyên gia thảo luận về khung phân tích và cách tiếp cận của Báo cáo. |
03 | Làm việc với các cơ quan quản lý tại các địa phương.
Thu thập và tổng hợp thông tin:
Tham vấn ý kiến chuyên gia từ các cơ quan chức năng:
Tham vấn ý kiến chuyên gia từ các hiệp hội và doanh nghiệp:
Tổ chức khảo sát thực tế và xử lý số liệu:
|
04 | Viết báo cáo phân tích tổng hợp để đánh giá các nhân tố cấu thành nên năng lực cạnh tranh ngành dệt may của Thành phố và các địa phương lân cận:
• Lịch sử và sự tiến hóa của cụm ngành dệt may và các nguyên nhân chủ yếu. • Kết quả hoạt động của cụm ngành hiện tại và xu hướng thay đổi theo thời gian, đặc biệt là dưới tác động của hội nhập kinh tế quốc tế. • Định vị và đánh giá năng lực tham gia của ngành dệt may TP. HCM vào chuỗi giá trị dệt may toàn cầu. • Năng lực cạnh tranh của cụm ngành • Môi trường kinh doanh của cụm ngành và các công ty then chốt. • Mức độ hợp tác trong cụm ngành. • Bản chất và tác động của các chính sách chính phủ đối với cụm ngành. |
05 | Viết báo cáo đánh giá tác động và đề xuất chính sách trên cơ sở của việc xác định các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, và nguy cơ đối với năng lực cạnh tranh của cụm ngành dệt may:
• Xác định các vấn đề then chốt về năng lực cạnh tranh mà cụm đang và sẽ gặp phải. • Đánh giá mức độ hữu hiệu của các phản ứng chính sách từ các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc phát triển cụm ngành dệt may. • Đề xuất giải pháp chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh cụm ngành dệt may • Viết báo cáo tham vấn cho chính quyền TP. HCM và các địa phương lân cận. • Hội thảo lần 2: Trình bày Báo cáo sơ bộ và tiếp thu ý kiến góp ý |
06 | Hoàn thiện báo cáo tổng hợp
• Hội thảo lần 3: Thảo luận và tiếp thu các ý kiến đóng góp cho bản dự thảo báo cáo • Hoàn thiện báo cáo theo góp ý của Hội thảo |
III. Phương pháp luận
Báo cáo này dựa trên phương pháp luận đang được sử dụng rộng rãi của GS. Michael Porter thuộc Trường Quản trị Kinh doanh Harvard và là tác giả chính của Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Việt Nam 2010. Để thực hiện được phương pháp này, Nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng một cách tích cực phương pháp điều tra – phỏng vấn và phương pháp chuyên gia. Bên cạnh nguồn thông tin sơ cấp này thì nguồn thông tin thứ cấp quan trọng là các số liệu thống kê liên quan đến cụm ngành, không chỉ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh mà còn của các địa phương lân cận ở Việt Nam và một số cụm ngành cạnh tranh trong khu vực, đặc biệt là từ Trung Quốc và Đông Nam Á.
IV. Thời gian, sản phẩm cuối cùng và cơ chế đánh giá
Gói thầu sẽ được triển khai trong vòng 12 tháng từ 1/7/2012 đến 30/6/2013. Thời hạn nộp dự thảo báo cáo để lấy ý kiến đánh giá là ngày 1/6/2013 và báo cáo cuối cùng là ngày 30/6/ 2013.
Sản phẩm cuối cùng là một báo cáo phân tích năng lực cạnh tranh của cụm ngảnh dệt may với độ dài 100-120 trang bao gồm các nội dung đã nêu trong mục II.1.
Sản phẩm sẽ được đánh giá theo cơ chế tư vấn độc lập đánh giá, tổ chức hội thảo và Ban Quản lý dự án nghiệm thu thông qua hội đồng nghiệm thu.