Sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng và các nhóm kinh tế tại VN: Đánh giá và các khuyến nghị thể chế
I. Bối cảnh vấn đề chính sách
Giai đoạn 2005 -2007, chứng kiến sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó cổ phiếu ngân hàng (NH) trong thời kỳ này trở thành loại cổ phiếu được ưa chuộng hàng đầu. Cổ đông của các NH đồng lòng tăng vốn với kỳ vọng bán lại được cổ phiếu mới để hưởng thặng dư. Các đợt phát hành cổ phần nhằm tăng vốn chủ sở hữu của các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) diễn ra hàng năm. Sự hứng khởi của thị trường chứng khoán và các quy định về vốn pháp định của ngân hàng thương mại (NHTM) đã làm vốn của mỗi NH và toàn hệ thống tăng lên nhanh chóng.
Quá trình tăng vốn nhanh chóng của các NHTMCP trong thời gian ngắn đi cùng với gia tăng sở hữu chéo (SHC) trong ngành NH với hai loại hình chính là NH sở hữu NH và doanh nghiệp (DN) sở hữu NH. Cùng thời gian này (2005), nhiều tổng công ty nhà nước được tổ chức thành tập đoàn và thực hiện chức năng kinh doanh đa ngành, trong đó có lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Chủ trương này của chính phủ là cơ sở để hàng loạt tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước tham gia sở hữu ngân hàng. Tại kỳ họp tháng 5 và tháng 6 năm 2012, trong Đề án Tái cơ cấu do Chính phủ trình Quốc hội thì chức năng kinh doanh đa ngành của các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn được giữ. Sở hữu chéo hiện đang phổ biến trong khu vực ngân hàng và kéo theo một số tác động tiêu cực lên tính ổn định của cả hệ thống tài chính Việt Nam. Một số báo cáo của các cơ quan quản lý nhà nước đã có cảnh bảo về tình trạng này nhưng bức tranh cụ thể về SHC vẫn chưa được đúc kết.
Các trục trặc của hệ thống NHTM dần bộc lộ rõ từ năm 2008 qua các vi phạm quy định về bảo đảm an toàn hoạt động, cụ thể là về vốn, giới hạn tín dụng, thanh khoản và nợ xấu. Điều này xảy ra trong khi hệ thống các quy định bảo đảm an toàn hoạt động của NHTM đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục xây dựng, nâng cao và đã dần tiệm cận với chuẩn mực quốc tế theo khuyến nghị Basel. Các vi phạm quy định an toàn hoạt động của các NHTM đã được NHNN nắm bắt, ví dụ như “nhóm lợi ích và sở hữu chéo giữa các TCTD rất lớn làm rủi ro hệ thống rất cao nếu một NH gặp khó khăn hoặc đổ vỡ”, “bằng nhiều kỹ thuật khác nhau không ít đối tượng không tuân thủ các quy định an toàn hoạt động tín dụng.” Tuy nhiên, mặc dù có những nhận định như vậy nhưng NHNN vẫn không thể có được những bằng chứng cụ thể và rõ ràng để chứng minh cho các hành vi không tuân thủ quy định của ngân hàng. NHNN đã nêu lên những khó khăn của mình, chẳng hạn như “việc kiểm tra, thanh tra để phát hiện và xử lý vấn đề sở hữu chéo rất khó khăn do thiếu bằng chứng pháp lý.”
Điều quan trọng nữa là, đứng trên phương diện pháp lý, NHNN vẫn chưa xác định được liệu những hành vi này có vi phạm quy định của pháp luật hay không. Vấn đề chính sách cần nghiên cứu ở đây là việc SHC giúp cho các NHTM lách các quy định về bảo đảm an toàn hoạt động thời gian qua như thế nào? Các quy định pháp lý hiện hành cần phải được thiết kế, xây dựng, sửa đổi như thế nào để có thể giảm hoặc/và kiểm soát được tình trạng SHC giữa các tổ chức tín dụng và các nhóm kinh tế tại Việt Nam hiện nay, qua đó nhằm giúp giảm các rủi ro tiềm ẩn, làm lành mạnh hóa hệ thống tài chính, và phát huy vai trò vốn có của nó trong nền kinh tế.
II. Mục tiêu nghiên cứu
Nghiên cứu đặt ra ba nhóm mục tiêu bao gồm:
(i) Nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm và thông lệ quốc tế về sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng và các nhóm kinh tế;
(ii) Đánh giá giám sát sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng và các nhóm kinh tế tại Việt Nam;
(iii) Đưa ra các khuyến nghị về thể chế đối với sở hữu chéo này nhằm tăng cường giám sát chung thị trường tài chính, giám sát các Tập đoàn tài chính ở Việt Nam.
III. Phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu sẽ phân tích cấu trúc sở hữu của các tổ chức tín dụng Việt Nam, trong đó tập trung vào 37 NHTMCP, 5 NHTMNN, và một số tổ chức tài chính phi ngân hàng để phân tích, đánh giá việc tuân thủ khung giám sát các NHTM trong giai đoạn 2006 – 2011.
Do các cổ đông và tổ chức sở hữu ngân hàng rất đa dạng với quy mô sở hữu cũng như vai trò chi phối rất khác nhau đến hoạt động ngân hàng, do đó nghiên cứu chỉ tập trung vào các nhóm đối tượng sở hữu chính (thường là các cổ đông lớn theo định nghĩa hiện hành trong Luật các TCTD, các cổ đông chiến lược ngân hàng, và các cổ đông khác được đánh giá là có vai trò quan trọng trong các quyết định và hoạt động của ngân hàng).
Về mặt quan hệ sở hữu, nghiên cứu sẽ tập trung vào những chủ thể liên quan đến sở hữu ngân hàng bao gồm các TCTD nhà nước (NHTMNN), TCTD tư nhân (NHTMCP), các tập đoàn kinh tế nhà nước (gọi chung là TĐNN/DNNN), các tập đoàn kinh tế tư nhân (TĐTN/DNTD), và cổ đông lớn là cá nhân (CĐL). Các quan hệ này có thể được biểu diễn thông qua ma trận sau đây:
NHTMNN |
NHTMCP |
|
NHTMCP | ||
TĐNN/DNNN | ||
TĐTN/DNTD | ||
CĐL |
Ngoài ra, các quan hệ sở hữu được nhận dạng trong nghiên cứu này bao gồm cả những quan hệ sở hữu trực tiếp và các quan hệ sở hữu gián tiếp. Việc nhận dạng này sẽ giúp chỉ ra được những tính chất phức tạp trong các quan hệ sở hữu ngân hàng hiện nay cũng như qua đó cho thấy được các lỗ hổng và sự bất cập của hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng, đồng thời cũng để giúp trả lời câu hỏi vì sao các quy định giám sát ngân hàng hiện hành có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa.
IV. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích định tính, dựa trên các bằng chứng là các báo cáo (báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, bảng cáo bạch, các báo cáo quản trị…), dữ liệu thống kê, số liệu lịch sử (dữ liệu tín dụng, dữ liệu giao dịch cổ phiếu…); các kết quả quan sát trực tiếp; các nghiên cứu tình huống (các tình huống hợp nhất, sáp nhập, thâu tóm các ngân hàng); kết hợp với phỏng vấn các chuyên gia am hiểu và có uy tín trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, để chứng minh các vấn đề nghiên cứu.
Nguồn thông tin: Nghiên cứu sử dụng các thông tin chính thức được công bố bởi các cơ quan quản lý nhà nước (như Chính phủ, NHNN, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước,…), các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, công ty chứng khoán, và các phương tiện truyền thông. Các thông tin chính thống này có ưu điểm là có thể kiểm chứng và giúp làm tăng độ tin cậy của báo cáo nghiên cứu, tuy nhiên lại có nhược điểm là không đầy đủ và như vậy sẽ làm cho báo cáo không thể bao quát được hết các trường hợp SHC vốn dĩ rất đa dạng và phức tạp. Chính vì vậy, nghiên cứu sẽ cố gắng dung hòa các thông tin này trên nguyên tắc sẽ ưu tiên sử dụng các thông tin chính thống nhưng vẫn sẽ tham khảo trong những chừng mực nhất định các thông tin nội bộ nhằm giúp cho kết quả nghiên cứu có thể bao quát được và có ý nghĩa hơn. Trong một số trường hợp, nhóm nghiên cứu sẽ đề nghị Ủy ban Kinh tế Quốc hội đối hỗ trợ cung cấp hoặc kiểm chứng đối với một số thông tin cần thiết cho việc thực hiện đề tài nghiên cứu. Các thông tin này sẽ chỉ được sử dụng cho nghiên cứu và chấp nhận các ràng buộc về mặt công bố theo yêu cầu của chủ đầu tư cũng như của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.
V. Cấu trúc nghiên cứu
Chương 1 trình bày tổng quan về hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, phân tích những trục trặc mà các tổ chức tín dụng đang gặp phải, đặc biệt là đối với các trục trặc phát sinh từ tình trạng gia tăng sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng với các tổ chức kinh tế. Chương này cũng sẽ bày mục tiêu và phạm vi nghiên cứu của đề tài.
Chương 2 được chia làm ba phần chính, trong đó phần đầu tiên sẽ trình bày khung phân tích về mối quan hệ ủy quyền – điều hành (principal agent), chi phí ủy quyền của vốn cổ phần (agency cost of equity) và chi phí ủy quyền của nợ (agency cost of debt). Dựa trên cơ sở lý thuyết, nghiên cứu sẽ chỉ ra những trục trặc nảy sinh từ các mối quan hệ ủy quyền – thừa hành này, từ đó phân tích những biện pháp có tính nguyên lý nhằm xử lý và hạn chế tình trạng bất cân xứng thông tin nói chung, hệ quả của mối quan hệ ủy quyền – thừa hành nói riêng.
Phần tiếp theo, nghiên cứu sẽ hệ thống hóa và phân tích những quy định pháp lý hiện hành liên quan đến yêu cầu đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn và giới hạn an toàn trong hoạt động đối với các NHTM ở Việt Nam hiện nay. Các quy định về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng được phân tích tập trung vào 5 nhóm bao gồm: (i) quy định về sở hữu và vốn của ngân hàng, (ii) quy định về giới hạn tín dụng, (iii) quy định về giới hạn đầu tư và góp vốn cổ phần, (iv) quy định về đảm bảo khả năng chi trả, và (v) quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Từ các phân tích này, nghiên cứu sẽ chỉ ra các bất cập, hạn chế và những kẽ hở mà dựa vào đó các tổ chức tín dụng có thể không tuân thủ như thế nào, đặc biệt khi dựa vào quan hệ sở hữu chéo với những trục trặc có tính cố hữu của quan hệ ủy quyền – thừa hành trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Ở phần cuối của Chương 2, nghiên cứu sẽ phân tích kinh nghiệm của một số nước đã từng hoặc đang đối mặt với tình trạng sở hữu chéo tương tự như Việt Nam chẳng hạn như Trung Quốc (thập niên 1990), Malaysia (giai đoạn tiền khủng hoảng 1997-98), hay Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các kinh nghiệm quốc tế sẽ được tiếp cận trên hai phương diện: (i) các mô hình giám sát an toàn hoạt động ngân hàng và sở hữu chéo được các nước áp dụng, và (ii) kinh nghiệm xử lý trục trặc ngân hàng nảy sinh từ các mối quan hệ sở hữu chéo.
Chương 3 sử dụng các dữ liệu trong các báo cáo tài chính, báo cáo quản trị ngân hàng tổng hợp và các nghiên cứu tình huống để trình bày hiện trạng sở hữu chéo trong hệ thống NHVN cũng như phân tích tác động tiêu cực của sở hữu chéo trong việc các NHTM không tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn hoạt động mà NHNN đã ban hành như thế nào. Các mối quan hệ sở hữu chéo từ đơn giản đến phức tạp, từ trực tiếp đến gián tiếp, và giữa các chủ thể kinh tế khác nhau (như được trình bày trong ma trận 2×4 ở phần 3.) sẽ được nhận dạng thông qua một số tình huống nghiên cứu tiêu biểu. Từ việc nhận dạng các quan hệ sở hữu chéo này, nghiên cứu sẽ đi vào phân tích những thất bại của hệ thống giám sát, các quy định về giới hạn an toàn hiện hành, vai trò của thanh tra và chế tài… đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nghiên cứu cũng sẽ thảo luận các mô hình giám sát và kinh nghiệm quốc tế có thể giúp xử lý các thất bại này như thế nào trong bối cảnh Việt Nam.
Sau cùng, Chương 4 sẽ đưa ra các khuyến nghị về thể chế đối với sở hữu chéo này nhằm tăng cường giám sát chung thị trường tài chính, giám sát các Tập đoàn tài chính ở Việt Nam. Theo đó, các khuyến nghị tập trung vào ba vấn đề chính: (i) các khuyến nghị nhằm tách bạch sở hữu và giám sát đối với các NHTMNN, (ii) các khuyến nghị nhằm giảm tình trạng SHC giữa tổ chức tín dụng với các tổ chức kinh tế, và (iii) các khuyến nghị nhằm hạn chế tác động tiêu cực của SHC.